Tăng tốc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

10/01/2024

Theo dự kiến kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Theo tiến độ này, chỉ chưa đầy một năm nữa, Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ được thông qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến góp ý của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học…

g.png

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được Ban soạn thảo, Tổ biên tập thành lập theo Quyết định số 476/QĐ-BTNMT ngày 6/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; các Hội nghề nghiệp, Hiệp hội khai thác khoáng sản; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Hồ sơ dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng như Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ ngày 31/7 – 1/10/2023 để lấy ý kiến rộng rãi, người dân và doanh nghiệp góp ý trực tiếp cho các Dự thảo.

duoi-su-chi-dao-huong-dan-cua-lanh-dao-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-cuc-dia-chat-viet-nam-va-cuc-khoang-san-viet-nam-da-hoan-thien-ho-so-du-an-luat-dia-chat-va-khoang-san.jpg
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản trình Bộ để Bộ trình Bộ Tư pháp thẩm định

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 3 Hội thảo tại 3 miền (miền Bắc tại Quảng Ninh ngày 15/9/2023, miền Nam tại Lâm Đồng ngày 29/9/2023, miền Trung tại Khánh Hòa ngày 13/10/2023), cũng như khảo sát thực tế tại các địa phương gồm: Đắk Nông, Lâm Đồng, Thanh Hóa để tham vấn các ý kiến đối với Dự thảo Luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức thực hiện một số Đề tài khoa học cấp Bộ để nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; những tồn tại, hạn chế và bất cập trong quá trình thực thi pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản giữa các bộ, ngành và địa phương.

Nắm bắt đúng vấn đề mà cả nước đã và đang quan tâm về Dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công các Hội thảo trên cũng như các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần 3 dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật theo ý kiến góp ý. Cuộc họp này nối tiếp các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập trước đó được tổ chức từ tháng 1 – 3/2023 và đã có nhiều điểm mới trong cách thức tổ chức, thu hút sự quan tâm lớn từ xã hội và tạo hiệu quả cao.

thtrng-1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang và Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, ông Trần Bình Trọng chủ trì Hội thảo lần thứ nhất lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Ngoài các cuộc họp, Hội thảo trên, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc họp theo kế hoạch và đột xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Trần Quý Kiên các nội dung chi tiết của Dự thảo Luật. Có những buổi làm việc kéo dài cả ngày, thậm chí vào các ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh đạo Bộ, cuối tháng 12/2023, hai đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Bộ Tư pháp thẩm định.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon.png

Bên cạnh tiến độ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, những nội dung của Dự thảo Luật cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt liên quan đến nội dung về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đại diện Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là vấn đề vướng mắc mà Công ty đã gặp phải từ nhiều năm nay, đây là một nguồn thu quan trọng cho Ngân sách Nhà nước, nhưng cũng tạo gánh nặng tài chính quá lớn cho doanh nghiệp, tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế, phí chồng phí.

Để hoàn thiện hơn chế định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Công ty đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để xây dựng, ban hành công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo dễ thực hiện, thống nhất chung trên phạm vi toàn quốc cho từng loại khoáng sản; đảm bảo trữ lượng tính tiền cấp quyền phù hợp với trữ lượng đã ghi trong giấy phép được cấp và cần có sự phân biệt giữa các cấp trữ lượng khác nhau do mức độ tin cậy, hiệu quả kinh tế giữa chúng là khác nhau; xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền theo diện tích và chiều sâu của phương án khai thác đã được phê duyệt khi cấp giấy phép thay vì theo phương thẳng đứng của ranh giới trên mặt để đảm bảo phù hợp với yếu tố kỹ thuật trong khai thác.

huong-den-nganh-cong-nghiep-khai-khoang-ben-vung-bao-ve-moi-truong.jpg
Hướng đến ngành công nghiệp khai khoáng bền vững, bảo vệ môi trường

Theo TS. Lê Ái Thụ – Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến tổn thất tài nguyên khoáng sản. Trên thực tế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản chi của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, nên khi chi phí tăng, doanh nghiệp buộc phải tìm cách giảm các chi phí khác. Một trong những cách giảm chi phí có hiệu quả nhất là khai thác khu vực giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi và bỏ lại phần quặng nghèo hơn, khó khai thác hơn.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp trước khi nhận giấy phép khai thác. Quy định này làm giảm khả năng của doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ tiên tiến, tác động tiêu cực của việc này là dẫn đến tổn thất tài nguyên không mong muốn.

Góp ý về trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định: “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là phần trữ lượng địa chất huy động nằm trong không gian khai thác/biên giới thiết kế mỏ, được cấp có thẩm quyền thẩm định/phê duyệt làm cơ sở cấp giấy phép khai thác”.

pham-vi-dieu-chinh-cua-luat-dia-chat-va-khoang-san-da-bo-sung-hoat-dong-dieu-tra-co-ban-dia-chat-voi-cac-che-dinh-phap-ly-nham-quan-ly-chat-che-day-du-cac-moi-quan-he-lien-quan-cong-tac-nay-xuye(1).png

Ông lý giải, đối với dự án khai thác lộ thiên, phải đảm bảo yêu cầu về góc dốc sườn tầng, bờ mỏ, dẫn đến phần trữ lượng chiếu theo phương thẳng đứng nằm ngoài ranh giới thiết kế moong khai thác lộ thiên sẽ không được phép huy động vào khai thác.

Những ý kiến góp ý trên chỉ là đại diện cho phần nào trong tổng thể rất nhiều ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều đó cho thấy Luật Địa chất và Khoáng sản đã và đang nhận được sự quan tâm vô cùng lớn từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… Họ mong chờ Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời để gỡ những “nút thắt” trong Luật Khoáng sản hiện hành, từ đó tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung hoạt động điều tra cơ bản địa chất, với các chế định pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ, đầy đủ các mối quan hệ liên quan công tác này xuyên suốt các điều khoản trong Dự thảo Luật. Theo ông Trần Bình Trọng – Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là cơ sở pháp lý chắc chắn giúp ngành địa chất và khoáng sản quản lý thống nhất, đầy đủ thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản địa chất đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành, khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đất nước, đồng thời giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn.

Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường

Tin tức cùng chủ đề

Vagme