Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên

29/10/2024

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, đánh giá và cho ý kiến xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã thể hiện những quan điểm rõ ràng, đưa ra được nhiều vấn đề góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với bà Điểu Huỳnh Sang để hiểu rõ hơn vấn đề này.

PV: Thưa Đại biểu, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 lần này, bà đánh giá như thế nào về việc sớm ban hành Luật để phục vụ cho phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang: Luật Khoáng sản 2010 sau hơn 13 năm thi hành đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Mặt khác, hiện nay một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như Luật Đấu giá tài sản, Luật Ngân sách… cũng như một số luật đang được trình Quốc hội xem xét như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tôi cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

PV: Theo bà, dự án Luật có vai trò như thế nào trong việc tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản cũng như phân cấp, phân quyền cho địa phương?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang: Theo như Dự thảo Luật được Chính phủ trình, tôi nhận thấy, về căn cứ chính trị và quan điểm về xây dựng Luật, dự án Luật sẽ: Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị. Cũng như căn cứ Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Các quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả; Kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

PV: Từ thực tiễn của địa phương, bà có đề xuất vấn đề gì để xây dựng dự án Luật có thể chặt chẽ và phù hợp hơn?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang: Qua thực tiễn địa phương, tôi có đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương một số nội dung, cụ thể:

Các vướng mắc liên quan đến. khu vực dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản bô-xít đã được tỉnh Bình phước báo cáo, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân, đồng thời nhiều dự án, cơ sở hạ tầng không thể triển khai – đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp.

Hiện nay tỉnh Bình Phước đang triển khai dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) Chơn Thành (Bình Phước) có chồng lấn với quy hoạch bô-xít – đây cũng là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với 2 tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện. Vì khi thực hiện dự án trên khu vực có quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, theo quy định của Luật khoáng sản 2010 thì phải thực hiện thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, các khoáng sản bô-xít thường xen lẫn với vật liệu san lấp, nếu thực hiện thu hồi sẽ làm ảnh hưởng rất lớn và sẽ mất rất nhiều thời gian thực hiện dự án cao tốc.

Tại Nghị quyết số 147/NQ-CP ngày 20/9/2024, Chính phủ đã giao “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá, nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các dự án (bao gồm mỏ vật liệu thực hiện dự án) chồng lấn với khu vực quy hoạch khoáng sản, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XV.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc và hỗ trợ người dân ổn định đời sống, đề nghị Chính phủ bổ sung các nội dung, giải pháp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Cụ thể: Bổ sung khoản 3a Điều 79, quy định chung về thu hồi khoáng sản như sau: “Không thu hồi khoáng sản tại khu vực có dự án, công trình quan trọng Quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; các dự án, công trình quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích chủ quyền quốc gia, công cộng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh được phép triển khai trên khu vực quy hoạch khoáng sản, khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản”.

Trong trường hợp Luật Địa chất và khoáng sản không quy định cụ thể về việc thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với loại khoáng sản đặc thù như bô-xít, đề nghị Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về “cơ chế đặc thù đối với việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực có khoáng sản bô-xít” nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Xem xét lựa chọn phương án 2 (quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch mà các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch tại Điều 16 và bổ sung tại Điều 116 (quy định chuyển tiếp) đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực nhưng chưa khởi công xây dựng do vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản thì thực hiện theo Luật này.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường

Tin tức cùng chủ đề

Vagme