Thái Nguyên chú trọng việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

01/12/2023
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 20/11, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 131 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đa phần chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, công tác an toàn lao động.

Một số đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tận thu tối đa khoáng sản, làm tăng giá trị của các loại khoáng sản như quặng sắt, titan, chì, kẽm…

Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Một trong những nhiệm vụ mà cơ quan chức năng của tỉnh triển khai và đạt được nhiều kết quả nhất là việc nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh đã tính, thẩm định và trình UBND tỉnh ban hành 22 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ được cấp phép, với tổng số tiền phải nộp là trên 31,1 tỷ đồng.

Trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên đã được UBND tỉnh ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi Cục Thuế tỉnh để thông báo cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác.

Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp gồm: Năm 2021 là hơn 50 tỷ đồng/69 mỏ; năm 2022 hơn 41,6 tỷ đồng/57 mỏ; năm 2023 hơn 31,3 tỷ đồng/47 mỏ.

Các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền gần 2.360 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên hơn 1.700 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 245 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 413 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn có hạn chế trong công tác này. Để khắc phục, tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này”.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực này, như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản…

Đặc biệt, tỉnh tập trung kiểm tra, ngăn chặn và đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả các hoạt động khoáng sản trái phép; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức khai thác khoáng sản, quy định về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc chấp hành, thực hiện các thủ tục thuê đất, xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác theo quy định…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý đối với các mỏ khai thác không đúng so với giấy phép, trong đó có nhiều mỏ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Cơ quan chức năng của tỉnh cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Các hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào nền nếp, bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý trong lĩnh vực này, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa qua đã tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và việc chấp hành quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Pháp luật

Tin tức cùng chủ đề

Vagme