Lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

22/08/2023

Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 của Chính phủ “Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2023”, theo đó, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để lấy ý kiến Nhân dân. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan cũng như người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Luật gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương.

Đề xuất xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản mới - Ảnh 1.
Lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại Quyết định số 476/QĐ-BTNMT ngày 06/3/2023 và thành lập các Tiểu ban biên tập chuyên đề về khoáng sản, Tiểu ban biên tập chuyên đề về địa chất, Tiểu ban biên tập chuyên đề về kinh tế địa chất và khoáng sản tại Quyết định số 668/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2023. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại Quyết định số 965/QĐ-BTNMT ngày 19/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản

Về cơ sở thực tiễn: Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư. Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Đến nay, đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền trên diện tích 42.550 km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19 % diện tích đất liền); phát hiện, điều tra nhiều điểm mỏ khoáng sản, xác định tài nguyên nhiều khu vực có triển vọng, trong đó nhiều khu vực đã thăm dò và đang khai thác hiệu quả. Hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản. Nhiều khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá (than nâu đồng bằng sông Hồng; bô-xit Tây Nguyên; titan từ Ninh Thuận đến bắc Bà Rịa – Vũng Tàu; vàng; kaolin – felspat; đá ốp lát.v.v. …).

Kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa; trong đó phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin – felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum); công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,…Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m.

Về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng: Đã có 3.182 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp phép, gồm: 332 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT; 2.850 giấy phép thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Đã góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản, như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxit gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) gần 1 tỷ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3, đá ốp lát khoảng 140 triệu m3…).

Đến hết năm 2022, có gần 3.776 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đang còn hiệu lực, gồm: 537 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 3.239 giấy phép của UBND cấp tỉnh với trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Đã hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tập trung (than, xi măng, sắt – thép, alumin, vonfram, đồng, đá ốp lát…) đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram – đa kim, xi măng… giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác.

Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện có nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, đó là:

Thứ nhất, Địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Theo đó, đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất như: di sản và công viên địa chất; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, CO2, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai; địa chất công trình,… phục vụ các ngành: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Du lịch,… quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất như đã nêu trên; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW đã nêu.

Thứ hai, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: 1) khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …; 2) khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; 3) vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; 4) vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; 5) vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm VLXDTT, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp; 6) quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn; 7) quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”; 8) quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ ba, 13 năm qua, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đất đai (2013), Luật Xây dựng (2014, 2020), Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Đầu tư (2020), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Quy hoạch (2017), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy lợi (2017), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Đa dạng sinh học (2018). Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về căn cứ chính trị, pháp lý: Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định “…tài nguyên khoáng sản…là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Khoáng sản. Đến nay, BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết với nhiều quan điểm, chính sách về địa chất, khoáng sản cần thể chế hoá.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên…”.

Đặc biệt, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năn 2045. Đây là căn cứ chính trị quan trọng và là kim chỉ nam định hướng xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản nhằm luật hóa các nội dung cần thiết trong quản lý nhà nước đối với hoạt động địa chất, khoáng sản như: (1) quy định cụ thể nội dung điều tra cơ bản địa chất, quan trắc, cảnh báo trong điều tra địa chất, tai biến địa chất, tài nguyên địa chất (tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản, di sản địa chất, công viên địa chất), các điều kiện địa chất khác; (2) thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản phải quản lý tập trung, thống nhất;  (3) quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất; (4) quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; (5) việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; (6) hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; (7) cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm VLXDTT phù hợp với thực tế, nhất là cấp phép cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình, dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công; (8) hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; (9) xây dựng cơ chế kiểm soát gián tiếp hoạt động khai thác khoáng sản phù hợp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản

Trên cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị nêu trên, Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng với mục đích và quan điểm chỉ đạo như sau:

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…) có tính ổn định để “Luật hoá”. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật được xây dựng bám sát các quan điểm sau: Thể chế hoá đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả; kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Bố cục dự thảo Luật

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương, cụ thể như sau:

– Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).

– Chương II. Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác gồm 05 Điều (từ Điều 9 đến Điều 13).

– Chương III. Chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản, gồm 06 Điều (từ Điều 14 đến Điều 19).

– Chương IV. Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 20 đến Điều 35).

– Chương V. Khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, gồm 12 Điều (từ Điều 36 đến Điều 47).

– Chương VI. Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, khu vực biển hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 48 đến Điều 51).

– Chương VII. Thăm dò khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 52 đến Điều 67).

– Chương VIII. Khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ và khai thác tận thu khoáng sản, gồm 33 Điều (từ Điều 68 đến Điều 100).

– Chương IX. Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và vùng biển gồm 04 Điều (từ Điều 101 đến Điều 104).

– Chương X. Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 18 Điều (từ Điều 105 đến Điều 122).

– Chương XI. Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 123 đến Điều 126).

– Chương XII. Hội nhập và Hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm 02 Điều (từ Điều 127 đến Điều 128).

– Chương XIII. Điều khoản thi hành, gồm 04 Điều (từ Điều 129 đến Điều 132).

Chi tiết nội dung dự thảo Luật mời xem tại đây.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng mong nhận được ý kiến góp ý của Nhân dân tại đây.

Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường 

Tin tức cùng chủ đề

Vagme