Thời gian qua, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã rất tích cực tham gia đóng góp ý kiến để đảm bảo các nội dung của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Trong đó, có nhiều ý kiến góp ý về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng thực tế
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Lê Ái Thụ – Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho biết, theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 103 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.
Theo ông Lê Ái Thụ, quy định không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu nguồn thu ngân sách.
Đồng thời, quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 4 của dự án Luật: “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”.
Hơn nữa, tại điểm b khoản 1 Điều 103 Dự thảo Luật quy định: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản. Quy định này sẽ tạo tâm lý cho rằng Nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ định tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm.
Đề cập về phương pháp xác định phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế. Bởi việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản như hiện nay là không đảm bảo tính chính xác, vì thực tế phần lớn các doanh nghiệp hoặc các đơn vị khai thác thường khai thác vượt mức trữ lượng được cấp phép, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước, nguy cơ xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh, kiểm tra hay điều tra.
Đề xuất sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn
Ông Phạm Nguyên Hải – Trưởng phòng Pháp chế, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) cho rằng, theo định hướng xây dựng chính sách, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một cấu thành nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản và sẽ được Nhà nước huy động sử dụng để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản. Ở khía cạnh công cụ kinh tế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho Nhà nước để được thực hiện đặc quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.
Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì một doanh nghiệp hoạt động khoáng sản như Công ty Núi Pháo đang phải đóng rất nhiều loại thuế và phí khác nhau, trong đó nhóm các loại thuế bao gồm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; nhóm các loại phí và lệ phí bao gồm phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí điều tra, thăm dò khoáng sản (hoàn trả cho Nhà nước), phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường lĩnh vực nước thải đối với cơ sở khai thác chế biến khoáng sản; nhóm các loại tiền nộp ngân sách khác bao gồm tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đáng chú ý, về bản chất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có tính chất giống nhau vì cùng “đánh” vào một đối tượng là khoáng sản nguyên khai chưa qua chế biến và dựa trên những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự, trong đó giá tính thuế tài nguyên đồng thời được dùng làm căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Các quy định về xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay đã tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế, khiến rất nhiều doanh nghiệp hoạt động khoáng sản rơi vào tình cảnh khó khăn, kể cả các doanh nghiệp ở quy mô lớn.
Để khắc phục tình trạng này, Công ty Núi Pháo đề xuất tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Theo ông Phạm Nguyên Hải, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ hạn chế các khiếu nại từ phía doanh nghiệp trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không thể tiếp tục khai thác khoáng sản hoặc phải khai thác cầm chừng do thị trường, hạn chế được tình trạng ngân sách Nhà nước bị treo nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng không thu được từ các doanh nghiệp cũng như chưa có phương án giải quyết nợ đọng…
“Trong thời gian chuyển tiếp giữa Luật Khoáng sản 2010 và Luật Địa chất và Khoáng sản, để hạn chế những ảnh hưởng gây vướng mắc, bất cập, Chính phủ nên khuyến khích áp dụng cơ chế thí điểm, theo đó có thể sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện đang có hiệu lực theo chủ trương mới ưu việt và hợp lý hơn của Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi Luật được Quốc hội thông qua” – ông Phạm Nguyên Hải, đại diện Công ty Núi Pháo đề xuất.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường