Chiều 4/11, tại hội trường Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) tham gia thảo luận với vấn đề phát triển bền vững. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Bà Lưu Mai đã chia sẻ ý kiến cá nhân về một số hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững.
Đối với các dự án liên quan đến khai thác các tài nguyên, khoáng sản, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với hơn 60 chủng loại khoáng sản khác nhau và thời gian qua hoạt động khai khoáng mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách nhà nước qua công cụ thuế. Năm 2019, số thu từ thuế tài nguyên là 36774 tỷ đồng và năm 2020 ước thực hiện là 22530 tỷ đồng.
Tuy nhiên đây cũng là suất thuế có mức thu thấp nhất do chúng ta chưa kiểm soát được sản lượng khai thác, tuy nhiên lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư là không nhỏ. Và bên cạnh những lợi ích kinh tế, hoạt động khai khoáng cũng tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững trên một số khía cạnh sau đây. Thứ nhất là làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, thứ hai là phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, thứ ba là gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thứ tư là phá hủy vườn sinh thái, phá hủy tài nguyên rừng, thứ năm là gây cạn kiệt nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên không tái tạo.
Về thực trạng khai thác, hiện nay theo báo cáo số 478 của Chính phủ gửi đến kỳ họp này trên phạm vi toàn quốc có 3480 giấy phép trong đó có 250 là thăm dò và 3230 là khai thác, điều đáng lưu ý là tình trạng khai thác trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh thành trong phạm vi toàn quốc và theo báo cáo của kết quả kiểm toán thì những sai phạm xảy ra ở khâu thẩm định, cấp phép và kiểm soát trữ lượng khai thác.Vấn đề thứ hai, liên quan đến bảo vệ rừng, tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về lý do diện tích rừng tự nhiên thu hẹp. Theo Bộ trưởng là do đế quốc Mỹ giải thảm hóa chất, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nghĩ rằng điều đó không sai, nhưng sẽ là toàn diện và thẳng thắn hơn nếu như Bộ trưởng kỹ phân tích những nguyên nhân, bất cập trong công tác quản lý từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương nơi có rừng. Về vấn đề dùng rừng thay thế, cá nhân đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc trồng rừng thay thế là khiên cưỡng, bởi vì sự thay thế ở đây là không thể, rừng tự nhiên có những đặc điểm mà rừng trồng không bao giờ có được. Đó là khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Rừng trồng chỉ bằng 1/5 rừng tự nhiên và theo các chuyên gia nếu giữ lại được 1ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10ha rừng. Về vấn đề di cư tự do, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong báo cáo 447 của Chính phủ đã nêu, trên phạm vi toàn quốc còn hơn 24.000 hộ dân sống rải rác ở rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn, điều này dẫn đến tình trạng phá rừng để canh tác trái phép. Về giải pháp, đã có rất nhiều đồng chí đề xuất, dưới góc độ tài chính ngân sách, tôi chỉ có kiến nghị như sau, đối với chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay được Quốc hội thông qua chúng ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn lực là 100 tỷ đồng, riêng năm 2021, có 16.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong tổng nguồn lực này, bà Lưu Mai cho rằng cần phân bổ một nguồn lực tương ứng để phục vụ công tác phát triển rừng vả ổn định dân cư. Thứ hai, đối với đầu tư công trung hạn, hiện nay cho cả giai đoạn là 2 triệu 750 ngàn tỷ đồng và riêng năm 2021 là 220 ngàn tỷ đồng, đó là phương án Chính phủ trình trong bối cảnh chưa xảy ra thiên tai bão lũ, tuy nhiên tại thời điểm này Chính phủ cần rà soát để có phương án điều chỉnh hợp lý, trong đó chỉ cần ưu tiên mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai đồng thời ưu tiên cho những dự án có khả năng bảo vệ phát triển bền vững.Cuối cùng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng: “Thời gian qua tất cả chúng ta đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi của nhiều đồng chí, nhiều người dân, vẫn biết rằng thiên tai là vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng nhưng rõ ràng trong đó có yếu tố từ phía con người, chúng ta đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên và cái giá phải trả là quá đắt. Trong thiên tai chúng ta thấy được tình người, thấy được sự quyết liệt của Chính phủ, sự hi sinh của quân đội, công an trong bảo vệ người dân nhưng chúng ta cũng thấy được lỗ hổng trong công tác quản lý, còn nhiều hành vi tàn phá thiên nhiên chưa được ngăn chặn và nếu như đứng trước bài toán kinh tế thì lựa chọn đúng đắn hơn cả vẫn phải là phát triển bền vững.”
Theo Tạp chí Kinh tế Đô thị