Bộ TN&MT nhận được 6 nhóm ý kiến lớn góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

01/12/2023

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản do Bộ TN&MT tổ chức vào sáng 28/11 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp.

img_8136.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Bộ TN&MT vừa tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội, cá nhân gửi văn bản góp ý cũng như tại 3 Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với 6 nhóm vấn đề gồm: tiền cấp quyền và trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; công suất khai thác; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; phân nhóm khoáng sản; thế chấp quyền khai thác khoáng sản.

Tổng hợp kết quả góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, các Điều có nhiều ý kiến góp ý gồm: giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; nguyên tắc hoạt động địa chất, khoáng sản; quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên, địa chất khoáng sản được khai thác; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; những hành vi bị cấm; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp; khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản.

img_8106.jpg
Ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, bên cạnh các ý kiến trên, các thành viên Ban soạn thảo cũng góp ý xoay quanh các nội dung về chế biến khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…

Cụ thể, về chế biến khoáng sản, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ nhất trí quan điểm bổ sung nội dung liên quan đến hoạt động chế biến khoáng sản vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

img_8126.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng góp ý tại cuộc họp

Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu bổ sung vào phạm vi điều chỉnh và một số nội dung mang tính định hướng về việc chế biến và xuất khẩu khoáng sản để đảm bảo việc quản lý toàn diện mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, trong đó có việc khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản theo quan điểm Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời đảm bảo việc tương thích với nội dung của quy hoạch khoáng sản (cụ thể là quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản quy định tại Điều 17 và Điều 18 của dự thảo Luật).

Cũng góp ý cho Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung thêm cụm từ “chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa” và điều chỉnh thành: “Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoáng sản là dầu khí; các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

img_8154.jpg
Ông Nguyễn Đắc Đồng – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam góp ý tại cuộc họp

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải còn góp ý cho Điều 68. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Theo đó, Bộ này đề nghị bổ sung thêm khoản 4 Điều 68 quy định theo hướng như sau: “Nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp được xem xét giao, cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng”.

Ngoài các góp ý cho từng nội dung cụ thể, cũng có thành viên Ban soạn thảo đề nghị đơn vị chủ trì xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tăng cường lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Đắc Đồng – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đề nghị Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia trực thuộc Tổng hội và tiếp thu chọn lọc những ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá cao những ý kiến góp ý rõ ràng của các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, đồng thời đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam tiếp thu các ý kiến để sớm hoàn thiện dự thảo Luật, trình Bộ TN&MT để Bộ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự án Luật dự kiến vào tháng 12 tới.

img_8100.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Đặc biệt, Thứ trưởng nhất trí với ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ về việc dự thảo Luật nên có định nghĩa, quy định về chế biến khoáng sản và mong rằng 2 Bộ cũng như Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thêm để trực tiếp góp ý nội dung này vào các Chương, Điều cụ thể của dự thảo Luật.

Thứ trưởng cũng cho biết trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ giao Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên sâu về kỹ thuật, trong đó mời các chuyên gia về lĩnh vực này để góp ý cho từng Chương, Điều cụ thể.

Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường

Tin tức cùng chủ đề

Vagme