Ngày 29/8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2493/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 7 mỏ khoáng sản: (1) Quặng sắt khu vực Bó Lếch và Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; (2) Quặng apatit khu vực thôn Vĩ Lầu và Bản Tàng, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; (3) Cát trắng khu vực Phan Rí II, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; (4) Cát thạch anh xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; (5) Đá ốp lát tại khu vực Hòn Giồ 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; (6) Đá ốp lát khu vực Suối Giàng 2, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; (7) Đá granit khu vực Tân Dân 3, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Khoáng sản Việt Nam chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định đối với các khu vực khoáng sản đã nêu ở trên.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; chấm dứt hiệu lực các Quyết định số 411/QĐ-BTNMT ngày 14/2/2015; số 804/QĐ-BTNMT ngày 8/4/2015; số 1770/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2017; số 1881/QĐ-BTMT ngày 24/7/2019; số 2414/QĐ-BTMT ngày 19/9/2019 và số 2313/QĐ-BTNMT ngày 19/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Kế hoạch Đấu giá quyền khai thác khoáng sản kèm theo Quyết định số 2493/QĐ-BTNMT. Mục đích của Kế hoạch nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Khu vực khoáng sản được lựa chọn đưa ra đấu giá phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu giá quy định tại Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.
Cục Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm thông báo công khai danh mục khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; các thông tin về cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức cuộc đấu giá theo kế hoạch được phê duyệt; xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước cho khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá; lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Thời gian thực hiện Quyết định số 2493/QĐ-BTNMT trong năm 2023. Trường hợp trong năm 2023 chưa thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo kế hoạch được phê duyệt, thì khu vực mỏ sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong các năm tiếp theo.
Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Yên Bái, Khánh Hòa; các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương kịp thời phản ánh, gửi về Cục Khoáng sản Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường