Nghiên cứu khoa học địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng đã đạt nhiều thành tựu cơ bản ở Việt Nam. Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về Trái đất, khoáng sản và tìm kiếm sử dụng các nguồn năng lượng mới.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Đại hội.
Ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á đã khai mạc Đại hội lần thứ 15 (GEOSEA XV).
Phát biểu chào mừng Đại hội, thay mặt nước chủ nhà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chào mừng các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15.
Theo Bộ trưởng, Đại hội Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á tổ chức thường kỳ 02 năm một lần, được xem là sự kiện hàng đầu về khoa học địa chất trong khu vực. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 15.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Đại hội cũng là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng, hướng tới phát triển bền vững của các quốc gia.
Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng được bắt đầu từ những năm cuối của Thế kỷ 19. Đến nay, đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản về nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản…
Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về Trái đất, khoáng sản và tìm kiếm sử dụng các nguồn năng lượng mới. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với sự đa dạng về địa chất, tài nguyên khoáng sản, các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam luôn sẵn sàng là địa chỉ để các tổ chức, các quốc gia, các nhà khoa học thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu về địa chất, tài nguyên và năng lượng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn tại GEOSEA XV, các nước cần thiết lập một mạng lưới, có sự liên kết chặt chẽ hơn cộng với điều kiện của cuộc cách mạng 4.0 để có thể chia sẻ, kết nối những thành tựu đặc biệt là kết quả nghiên cứu của ngành khoa học trái đất để vẽ nên bản đồ chung cùng tạo nên cơ sở dữ liệu lớn về trái đất để có thể hiểu, chia sẻ với thế hệ tương lai về những thành tựu cũng như hiểu biết của chúng ta về trái đất.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Dương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: Việt Nam có lịch sử nghiên cứu, điều tra địa chất và khoáng sản từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản các tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 trên toàn diện tích phần đất liền và tỷ lệ 1:50.000 đạt khoảng 73% diện tích. Hoạt động điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản được bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hàng ngàn mỏ khoáng sản đã được phát hiện và đưa vào thăm dò, khai thác…
Ông Đỗ Cảnh Dương cũng cho biết, mục tiêu của Đại hội lần này là khoa học địa chất và Tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên của trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 – 2025.
Sự kiện khoa học này đã thu hút được hơn 300 báo cáo tham luận bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của khoa học và tài nguyên địa chất, chế biến nguyên liệu khoáng, môi trường, phòng tránh và giảm thiểu tác động của tai biến tự nhiên… Với gần một nửa trong số đó là các báo cáo được trình bày bởi các nhà khoa học, quản lý và đại diện của các doanh nghiệp đến từ các nước khác nhau trong khối ASEAN và các nhà khoa học trên thế giới. Điều này đã khẳng định tầm ảnh hưởng cũng như các tác động tích cực của Hội nghị đối với hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất, tài nguyên Trái đất và môi trường.
Đại hội được thiết kế thành 8 Tiểu ban bao trùm đến tất cả các lĩnh vực chuyên môn về địa chất, môi trường và tài nguyên địa chất, gồm Phiên họp toàn thể; Cổ sinh – Địa tầng – Trầm tích luận – Địa chất biển; Địa hóa – Khoáng vật – Thạch luận; Địa vật lý – Địa chất cấu trúc và Kiến tạo; Tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Địa chất và chế biến dầu khí; Địa chất thủy văn – Tài nguyên nước – Địa chất công trình và Địa chất đô thị; Di sản địa chất, Địa chất đô thị, Địa chất môi trường và Tai biến địa chất.
Bên cạnh phiên đại hội chính diễn ra vào các ngày 16-17/10, Ban tổ chức còn triển khai các chuyến khảo sát thực địa trước và sau Đại hội đến các khu vực có đặc điểm địa chất và tài nguyên địa chất điển hình của Việt Nam cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về tiềm năng tài nguyên địa chất của nước ta cũng như chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ngoài thực địa để nâng cao trình độ./.