NHỮNG TRIỂN VỌNG TỪ MỎ ĐA KIM NÚI PHÁO

08/05/2022

Mỏ đa kim Núi Pháo do Công ty CP Tài nguyên Masan (MSR) quản lý và vận hành được biết đến là mỏ vonfram hàng đầu thế giới, là doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản Việt Nam. Những đóng góp từ Masan Tài Nguyên đã góp phần quan trọng vào tăng thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thay đổi diện mạo vùng quê còn khó khăn… Đặc biệt, với sự đầu tư lên tới hàng tỷ USD, Masan Tài Nguyên đã thay đổi cách nhìn của nhiều người từ một doanh nghiệp khai thác khoáng sản trở thành nhà máy sản xuất, chế biến khoáng sản hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới, là một trong những “ông lớn” quyết định cán cân xuất khẩu vonfram trên thị trường quốc tế, góp phần hiện thực mục tiêu “đưa nguồn tài nguyên chiến lược của Việt Nam trở thành vật liệu công nghệ cao toàn cầu”.

Vượt khó để phát triển bền vững

Năm 2019, thị trường  kim loại thế giới có nhiều biến động, giá kim loại liên tục giảm từ 20- 30% so với năm trước… Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho việc khai thác, sản xuất tăng cao ; điều kiện khai thác không mấy thuận lợi khi ở tầng sâu; còn một bộ phận người dân chưa di dời ra khỏi vùng Dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác nổ mìn… thế nhưng MSR vẫn ghi dấu bằng những con số ấn tượng: đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay; đảm bảo việc làm cho khoảng 1.500 lao động với mức thu nhập ổn định, thu nhập bình quân đạt 11,8 triệu đồng/người/tháng. Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của Công ty năm 2019 là việc ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của Tập đoàn H.C. Starck. Đây là tiền đề để giúp MSR trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới…

Ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Đối ngoại, cộng đồng và môi trường cho biết: Dù mục tiêu lợi nhuận năm 2019 chưa đạt được như kỳ vọng nhưng Công ty vẫn đảm bảo những giá trị cốt lõi: phát triển kinh tế, quan tâm cộng đồng xã hội và bảo vệ môi trường. Công ty vẫn luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường với việc vận hành đầy đủ các trạm quan trắc nước thải và quan trắc khí tự động. Năm qua, MSR tiếp tục trồng hơn 100.000 cây xanh đã được trồng phủ kín khoảng 11 ha ở những khu vực nằm trong kế hoạch phục hồi môi trường. Công ty cũng dành trên 3 tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ cộng đồng và an sinh xã hội, trong đó tập trung vào cải tạo cơ sở hạ tầng các trường học trong vùng Dự án thuộc huyện Đại Từ; tiếp tục hỗ trợ 373 hộ mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 91 ha. Nhằm công khai, minh bạch thông tin và quy trình khai thác, sản xuất khoáng sản, trong năm Công ty đã đón tiếp hơn 100 đoàn khách trong nước, quốc tế với hơn 1.100 lượt người tham quan, học tập kinh nghiệm…

Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, năm 2019, Masan Tài Nguyên tiếp tục được Chính phủ, các tổ chức uy tín tặng thưởng, ghi nhận bằng những danh hiêu cao quý như: Cờ thi đua của Chính phủ; Giải thưởng “Doanh nghiệp bền vững năm 2019”, Công ty Vonfram Masan được cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao… Những thành tựu này đã tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Masan Tài Nguyên.

Những triển vọng mới

Năm 2020 được dự báo với nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu nhưng điều quan trọng nhất đó là thị trường vonfram đang có nhiều chuyển biến tích cực và có những dấu hiệu hồi phục về giá. Ngày 30/9/2019 giá APT ở mức 205 USD/mtu. Giá này tiếp tục giữ ổn định trong suốt tháng 1/2020, thể hiện sự chuyển biến tâm lý thị trường tích cực. Với sự quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm của Công ty ngày càng tăng cao và tác động của việc bán hàng dự trữ của sàn giao dịch Fanya tại Trung Quốc cũng như sự cải thiện gần đây trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung có thể kỳ vọng những cải thiện tiếp theo đối với sản phẩm chủ đạo này. Đối với các sản phẩm khác, giá Đồng tăng 8% kể từ tháng 9/2019, trong khi giá Florit giảm 9% và giá Bismut vẫn giữ ở mức ổn định. Giá Bismut được dự đoán sẽ tăng trong năm 2020 nhờ việc bán lương Bismut dự trữ của sàn giao dịch Fanya tại Trung Quốc trong Quý IV/2019. Như vậy có thể lạc quan rằng giá tất cả các sản phẩm nhìn chung sẽ tăng lên trong 06 tháng đầu năm 2020 do tiếp tục có những cải thiện trong các mối quan hệ thương mại trước khi bước vào các cuộc bầu cử tại Mỹ vào cuối năm nay, đồng thời quyết định bán hàng dự trữ Vonfram và Bismut của sàn giao dịch Fanya đã có tác động lớn đến các sản phẩm này trong năm 2019.

MSR đang tập trung vào việc hiện thực hóa giá trị liên quan đến lượng đồng tồn kho và hoàn tất quá trình mua lại HCS ngay trong đầu quý II/2020. MSR cũng tập trung cho việc mở rộng kinh doanh chế biến sâu – một mảng có giá và doanh thu ít biến động hơn nhiều so với thị trường sản phẩm trung gian và thị trường oxit kim loại mà công ty đang hoạt động. Từ những chiến lược sản xuất, kinh doanh cụ thể, Ban điều hành MSR phấn đấu đạt doanh thu thuần tư 12.000 đến 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt từ 450 tỷ đến 700 tỷ đồng.

Ông Craig Bradshaw – Tổng Giám đốc cho biết thêm: “Việc mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của Tập đoàn H.C. Starck cuối năm 2019 và hoàn tất thương vụ này ngay trong đầu năm 2020 là cơ hội mới để MSR xúc tiến việc mở rộng kinh doanh toàn cầu. Một số tín hiệu tích cực được kỳ vọng sẽ khiến giá bismut tăng trong năm nay đã đem lại nhiều triển vọng mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của MSR trong năm 2020. Hiện thực hóa những mục tiêu kế hoạch đề ra, mỗi người lao động cần tập trung nỗ lực để tạo ra sự khác biệt tích cực mỗi ngày, duy trì và cải thiện năng suất và hiệu quả trong công việc, giảm thiểu lãng phí đồng thời tối ưu hóa chi phí…”

Một mùa xuân mới đã về, những cơ hội mới đã mở ra, hy vọng với tầm nhìn chiến lược mang tầm quốc tế, Masan Tài Nguyên tiếp tục đạt được những dấu ấn mới, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương cũng như của đất nước.

Tin tức cùng chủ đề

Vagme