Bàn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

25/08/2022

VÀI SUY NGHĨ VỀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN

TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

TS. Lê Ái Thụ

1/ Đặt vấn đề

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu tiên được quy định tại khoản 3 Điều 76 và Điều 77 Luật kháng sản số 60/2010/QH12. Khoản 3 Điều 76 quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một khoản thu ngân sách. Điều 77 quy định về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quy định về cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và trách nhiệm của Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ ban hành các nghị định cần phải được chuẩn bị trước và sẽ được ban hành để có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm luật có hiệu lực của luật đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, nghị định của Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Tuy nhiên, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được Chính phủ ban hành ngày 28/11/2013 và có hiệu lưc thi hành từ ngày 20/01/2014. Như vậy, theo quy định Chính phủ đã ban hành quy định về tiền cấp quyền chậm tới 2,5 năm.
Mặt khác, theo quy định tại khản 2 Điều 77 Luật kháng sản năm 2010 thì Nghị định số 203/2013/NĐ-CP cũng chưa phù hợp quy định của luật. Khoản 2 Điều 77 Luật khoáng sản năm 2010 quy định “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản”. Qua nghiên cứu các quy định của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP chúng tôi thấy rằng có những quy định vừa không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật khoáng sản năm 2010, vừa không phù hợp với đặc thù của tài nguyên khoáng sản.
Do những bất cập trong quá trình triển khai Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, ngày 31/7/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo chũng tôi, những bất cập cơ bản của các vản bản quy định chi tiết về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn chưa được khắc phục. Những bất cập của quy định hiện hành về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vừa gây tổn thất lớn tài nguyên khoáng sản, loại tài nguyên quy hiếm gần như không tái tạo, vừa tạo ra môi trường rất bất công giữa những doanh nghiệp hoạt động khoáng sản có các điều kiện tự nhiên khác nhau. Hơn nữa, những bất cập đó rất có thể là những kẻ hở lớn để có lợi ích nhóm cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động và quản lý khoáng sản theo kiểu chộp dật, tư duy nhiệm kỳ.

2/ Những bất cập cơ bản của quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

2.1- Nội dung quy định chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật khoáng sản năm 2010

Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật khoáng sản năm 2010, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào nhiều điều kiện khai thác khoáng sản, trong đó có “chất lượng khoáng sản” và “điều kiện khai thác khoáng sản”. Trong khi đó văn bản quy pháp pháp luật hiện hành về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không đề cập đến “chất lượng khoáng sản”, và đề cập rất mơ hồ và không phù hợp đặc thù của tài nguyên khoáng sản về “điều kiện khai thác khoáng sản”. Chính những nội dung này trên thực tế đã gây ra các bất cập khó khắc phục trong quá trình triển khai các quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất công lớn giữa các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

2.2- Nội dung quy định chưa phù hợp với đặc thù của khoáng sản

Theo quy định hiện hành của pháp luật, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo công thức sau:
T = Q x G x K1 x K2 x R
– Theo quy định trên, Q – trữ lượng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tính tiền cấp quyền. Quy định như vậy là mâu thuẫn với quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản hiện hành;
– Hệ số K1 – hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác và khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6. Đây là một quy định, theo tôi thể hiện sự thiếu nghiên cứu, thiếu nghiêm túc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. quy định này vừa gây tổn thất lớn tài nguyên khoáng sản, vừa tạo nên sự bất công lớn giữa các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trong các điều kiện khác nhau.

2.3- Khái niệm “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”

Theo quy định hiện hành, cho đến nay khái niệm “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” chưa được cơ quan có thẩm quyền quy định một cách thống nhất. Điều đó đã làm cho rất nhiều tổ chức, cá nhân hiểu không chuẩn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

3/ Kết luận

Tóm lại, quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần sớm được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu và bàn hành lại nhằm tạo môi trường phát triển bền vững trong lĩnh vực khoáng sản và đặc biệt là góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản có hạn và hầu như không tái tạo.

Để lại góp ý

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Vagme